Cùng tham khảo một số cách để bảo vệ và tăng chất lượng không khí theo từng phòng trong nhà nhé.
Phòng khách
Phòng khách, thường là khu vực được sử dụng nhiều trong nhà và có thể chứa nhiều chất gây ô nhiễm trong không khí. Việc giữ độ thông thoáng thường xuyên cho phòng khách là cần thiết để xử lý các chất bụi, khí độc.
Lông thú cưng
Thú cưng là những con vật dễ thương thường được thả nuôi trong nhà. Lông thú là một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra các vấn đề liên quan đến dị ứng và hen suyễn. Chúng rất nhỏ và nhẹ, bay lẫn trong không khí và bám trên các nội thất trong nhà.
Để hạn chế sự xuất hiện của lông thú, bạn cần hạn chế chúng tiếp cận đến các khu vực nội thất bằng vải, bọc đệm như sofa, thú bông, gối, thảm trải hay rèm cửa. Hãy chải và xử lý lông thú cưng, hút bụi thường xuyên cho thảm và đồ nội thất.
Các loại khói thuốc lá
Những loại khói này trực tiếp ảnh hưởng và gây các bệnh về hệ hô hấp, đặc biệt là đối với trẻ em. Để tốt cho sức khỏe các thành viên trong nhà, hãy hạn chế tối đa việc hút thuốc trong nhà, nhất là các không gian kín.
Carbon Monoxide (CO)
CO là khí độc xuất hiện khi đốt cháy nhiên liệu, thường xuất hiện trong khói than, khói xe máy. CO là khí gây ngạt cực kỳ nguy hiểm, nhất là trong không gian kín khí. Bạn không nên nổ máy xe trong nhà, hoặc sử dụng lò than trong nhà.
Hãy mở cửa sổ và mở quạt hút thông khí, giữ độ thông thoáng khi sử dụng lò than, đặc biệt là thường dùng cho việc giữ ấm cho người cao tuổi khi mùa lạnh tràn về. Tốt nhất là bạn nên sử dụng các loại sản phẩm giữ ấm khác cho gia đình.
Phòng tắm
Phòng tắm thường là khu vực ẩm ướt nhất trong nhà. Cần phải đảm bảo thông gió phòng tắm trong quá trình sử dụng và làm khô các bề mặt ẩm ướt.
Ẩm mốc
Phòng tắm là nơi phổ biến của nấm mốc. Độ ẩm và nhiệt độ trong phòng tắm cực kỳ phù hợp cho nấm mốc và các vi khuẩn phát triển. Nấm mốc có thể gây ra phản ứng dị ứng, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác.
Để đảm bảo phòng tắm luôn thông thoáng, Hãy lắp đặt quạt thông gió và thiết kế cửa thông gió cho phòng tắm sẽ giúp kiểm soát độ ẩm, hạn chế nấm mốc phát triển
Phòng ngủ
Phòng ngủ thường là nơi xuất hiện các loại vật liệu dễ bám bụi. Điều quan trọng là phải làm sạch giường và các loại vải khác, đồng thời hút bụi thường xuyên.
Bụi
Mạt bụi là nguyên nhân có thể gây ra các cơn dị ứng và hen suyễn. Mạt bụi có ở khắp mọi nơi, đặc biệt là bám lại trên gối, chăn, thảm, đồ nội thất và đồ chơi nhồi bông. Hãy vệ sinh và hút bụi nhà cửa thường xuyên, giặt chăn ga trải giường và sử dụng vỏ gối và nệm chống dị ứng.
Nhà bếp
Nhà bếp là nơi có các thiết bị nhà bếp gây khả năng rò rỉ khí gas, các loại mùi xuất hiện trong và sau khi nấu ăn, thậm chí là các loại hóa chất vệ sinh, diệt khuẩn. Điều bạn cần làm là bảo trì thường xuyên khu vực bếp và thông gió đúng cách, đồng thời cất giữ hóa chất một cách an toàn.
Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC)
Các chất tẩy rửa vệ sinh thường được đặt dưới bồn rửa trong nhà bếp. Chúng là nguồn giải phóng các Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong quá trình sử dụng và cất giữ.
Hãy lưu trữ các sản phẩm gia dụng có chứa hóa chất theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và để tất cả các sản phẩm tránh xa trẻ em. Hãy cân nhắc mua chất tẩy rửa không có VOC.
Thuốc diệt côn trùng
Thuốc diệt côn trùng được sử dụng để đuổi các loại chuột, mối, côn trùng và các loài gây hại khác trong nhà. Những loại hóa chất này có thể gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng; nặng hơn là tổn thương hệ thần kinh trung ương và thận; và tăng nguy cơ ung thư nếu không được sử dụng và bảo quản đúng cách.
Đừng để thức ăn bên ngoài và nếu bạn phải sử dụng thuốc diệt côn trùng, hãy thông gió không gian sống trong và sau khi sử dụng và làm theo hướng dẫn để hạn chế tiếp xúc. Sử dụng các phương pháp kiểm soát dịch hại không sử dụng hóa chất khi có thể.
Khí gas và khí độc
Để giúp tránh tiếp xúc với khí gas và khí độc, như carbon monoxide, hãy đảm bảo các thiết bị nhà bếp được thông thoát ra bên ngoài bất cứ khi nào có thể. Tất cả cả các thiết bị đều cần được lắp đặt, sử dụng và bảo trì đúng cách.