Quy trình kỹ thuật phun không gian

Các bước trong quy trình kỹ thuật phun không gian

Bước 1: Đội mũ, mặc áo dài tay, đeo khẩu trang khi pha và phun thuốc.

Lưu ý đảm bảo các việc sau tại địa điểm xử lý
• Kiểm tra tất cả các bể cá hoặc ao trong và xung quanh khu vực có thể chứa động vật thủy sinh, đảm bảo chúng được bao phủ đúng cách trước khi phun thuốc.
• Đảm bảo rằng tất cả mọi người và vật nuôi được giữ cách xa khu vực xử lý một cách an toàn cho đến khi các bề mặt khô.
• Tháo, hoặc che tất cả các đồ đạc, quần áo, đồ trang trí hoặc các vật dụng khác
• Di chuyển tất cả đồ đạc ra khỏi tường và các bề mặt sẽ được xử lý
• Thu dọn các loại thực phẩm, thiết bị chế biến thức ăn và đồ dùng ăn uống.

Hướng dẫn chọn vòi phun (Zic lơ)

Các loại máy phun đều có các vòi phun với các cỡ khác nhau, nên sử dụng máy phun ULV có thể đạt 80% hạt phun có kích thước < 30µm
+ Máy Fontan: loại máy này chỉ phun dược ULV không phun tồn lưu được .Trong máy gắn sẵn vòi phun 45; ngoài ra còn có các cỡ vòi phun khác như : vòi 30, 45, 58, 68, 84. Trong đó,các vòi nhỏ 30,45,58 có dải hạt từ 2-25 µm là phù hợp cho việc phun ULV trừ muỗi.
+ Máy Stith đầu 0,5 ; 0,65; 0,8 dùng để phun ULV.
+ Máy MD phải có gắn bình nhựa chuyên dùng cho việc phun sương.
+ Máy Solo phải sử dụng đầu phun bằng đồng thau. Chạy máy để thử liều lượng phun.
– Lưu lượng phun : (theo hướng dẫn sử dụng máy)
Ở lưu tốc (mức ga) tại 5.500 vòng, lưu lượng phun các vòi phun như sau:
Zic lơ 30 1lít /giờ = 1.000ml/3600 giây= 1ml/3,6 giây
Zic lơ 45 2lít /giờ = 2.000ml/3600 giây= 1ml/ 1,8 giây
Zic lơ 58 3lít /giờ = 3.000ml/3600 giây= 1ml/ 1,2giây
Zic lơ 68 4lít /giờ = 4.000ml/3600 giây= 1ml/ 0,9giây
Zic lơ 84 6lít /giờ = 6.000ml/3600 giây= 1ml/ 0,6giây

Bước 2: Pha thuốc theo tỷ lệ quy định của từng loại hóa chất sử dụng.
Tỉ lệ pha: cần thực hiện đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất được in sẵn ở nhản trên bao bì đựng hóa chất.
Cách pha: phải pha hóa chất đúng nồng độ quy định ở xô sạch sau đó mới đổ vào bình chứa hóa chất của máy phun.
Ví dụ: Hoá chất Hantox-200(Deltamethrin 3EW) pha với tỷ lệ: 1: 9. Lấy 100 ml hóa chất đổ vào xô nhựa, thêm 900 ml nước sạch, dùng que khuấy kỹ để bảo đảm hóa chất tan đều, đổ vào bình đựng hóa chất của máy phun.

Bước 3: Tiến hành xử lý phun thuốc
3.1 Phun mù nóng(nhiệt)
Hóa chất diệt côn trùng được pha loãng trong chất lỏng, thường là gốc dầu. Khí nóng được sử dụng để làm nóng hóa chất, làm giảm độ nhớt của dầu và giúp hợp chất này bốc hơi. Khi bốc hơi khỏi vòi phun, hơi nước chạm vào không khí lạnh hơn sẽ ngưng tụ lại tạo thành một đám mây sương mù dày đặc màu trắng. Hầu hết các giọt nhỏ hơn 20μm. Kích thước giọt phụ thuộc vào tốc độ dòng chảy và nhiệt độ tại vòi phun (thường > 500 °C). Lượng hỗn hợp hóa chất dùng trong phòng chống côn trùng thường là 5-10 lít/hecta, tối đa 50 lít/hecta.
3.2 Phun mù lạnh
Trong kỹ thuật phun mù lạnh, các hạt được hình thành do sự phá vỡ cơ học của hỗn hợp phun, bằng cách cho nó đi qua vòi phun áp suất cao hoặc bằng cách truyền một dòng hỗn hợp chảy chậm qua một luồng không khí xoáy tốc độ cao. Một số thiết bị được trang bị vòi quay tốc độ cao. Các giọt phun được tạo ra mà không có bất kỳ tác động nào từ nhiệt. Với phun mù lạnh, lượng hóa chất được sử dụng ở mức tối thiểu. Kỹ thuật sử dụng phổ biến trong phun mù lạnh là ULV (Ultra-low-volume).

3.2.1 Phun trong nhà

Nhân viên thực hiện công việc này đòi hỏi phải được tập huấn các biện pháp an toàn. Một số quy tắc cần được áp dụng như sau:

  • Tắt tất cả điện ở công tắc chính.
  • Tắt tất cả máy điều hòa, bếp nấu ăn và chờ một thời gian cho các thiết bị hạ nhiệt trước khi phun.
  • Che chắn tất cả dụng cụ chứa nước và thực phẩm.
  • Bảo đảm tất cả người cư ngụ và động vật ở bên ngoài trong lúc phun và sau khi phun 30 phút. Đóng tất cả cửa ra vào và cửa sổ trước khi phun và sau khi phun 30 phút để đảm bảo hiệu quả tối đa. Tòa nhà cần được thông gió trước khi người dân và động vật quay vào ở.
  • Đối với những ngôi nhà nhỏ một tầng, có thể phun thuốc từ cửa trước hoặc qua cửa sổ mở mà không cần phải đi vào mọi phòng trong nhà, các hạt hóa chất vẫn có thể khuyếch tán hiệu quả.
  • Đối với các tòa nhà lớn một tầng, cần phun từng phòng một, bắt đầu từ các phòng phía sau rồi phun dần ra các phòng phía trước.
  • Đối với các tòa nhà nhiều tầng, cần phun từ tầng cao xuống thấp và từ các phòng phía sau ra phía trước. Điều này đảm bảo rằng nhân viên phun thuốc có khả năng quan sát tốt mọi lúc.

3.2.2 Phun ngoài trời
Cần lên kế hoạch trước về các lối đi để phun và có thể cần kết hợp các loại phương tiện phun khác nhau như để trên xe hơi, xe máy hoặc có thể phải đeo vai ở những khu vực khó tiếp cận, hạn chế phương tiện. Cần cân nhắc các vấn đề sau:
Không nên phun thuốc khi trời mưa, khi tốc độ gió vượt quá 15km/giờ hoặc trong ngày nắng nóng.
Cửa ra vào và cửa sổ của các tòa nhà phải mở ra để thuốc trong các đám sương mù có thể vào trong nhà giúp tăng hiệu quả.
Phương tiện di chuyển ngược hướng gió để sương mù trôi theo chiều gió ra khỏi phương tiện và người phun thuốc (Hình 3).
Nên duy trì tốc độ định trước của xe và phải tắc bình xịt khi xe đứng yên.
Các ngõ cụt phải phun từ trong đi ra để tránh lái xe vào đám mây sương mù.
Cố gắng tránh phun trực tiếp vào khu vực các cây và hoa đắt tiền trừ khi sử dụng sản phẩm đã pha loãng với nước.